Ông
Larry Summers, chủ tịch hội đồng kinh tế của Tổng thống Obama, nhận
định Trung Quốc không còn có thể cư xử như Trung Quốc trước đây bởi Mỹ
nhiều khả năng sẽ ứng xử giống Trung Quốc.
Hiện nay, nhiều chuyên gia tin rằng sự
mất cân bằng trên toàn cầu, đặc biệt là thâm hụt tài khoản vãng lai lớn
tại Mỹ và thặng dư tài khoản vãng lai lớn tại Trung Quốc đã góp phần
gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008 và năm 2009, thanh khoản tại thị
trường Mỹ quá dồi dào, các sản phẩm tài chính độc hại có điều kiện phát
triển.
Ngoài ra, thị trường còn đồng thuận về việc cần phải cân bằng lại nhu cầu của thế giới để đảm bào đà phục hồi kinh tế.
Người
tiêu dùng và các hộ gia đình Mỹ phải khôi phục lại bảng cân đối kế toán
của họ, theo đó tỷ lệ tiết kiệm cần tăng cao và thâm hụt tài khoản vãng
lai giảm xuống. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu hàng hóa dịch vụ
của Mỹ giảm xuống, nhu cầu hàng hóa dịch vụ của nơi khác phải tăng lên
để bù lại.
Trong các cuộc tranh
luận, phần lớn thế giới thường nói đến Trung Quốc. Thế nhưng cả thâm
hụt của Mỹ và thặng dư của Trung Quốc, tất nhiên, không chỉ được quyết
định bởi hai nước này. Năm 2008, thặng dư của Trung Quốc là 426 tỷ USD
trong khi mức thâm hụt của Mỹ là 706 tỷ USD. Mức thặng dư của Trung
Quốc hay thâm hụt của Mỹ là kết quả của thâm hụt và thặng dư song phương với tất cả các nước khác trên thế giới chứ không phải chỉ riêng 2 nước này.
Thặng
dư của Trung Quốc lớn bởi kinh tế nước này tăng trưởng mạnh, mức tăng
trưởng lên tới 10%. Vì thế cũng là hợp lý nếu người ta nói đến việc
thặng dư này nên giảm để bù lại cho việc nhu cầu tiêu dùng từ phía Mỹ
đi xuống. Hiện nay, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán thặng dư thương
mại Trung Quốc sẽ tăng trở lại lên mức 595 tỷ USD vào năm 2012.
Thế
nhưng trọng tâm vào Trung Quốc có thể quá nhiều. Dù người ta muốn thặng
dư Trung Quốc giảm, điều này không thể xảy ra trong một sớm một chiều
mà không gây ra ảnh hưởng xấu lên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Trung
Quốc có thể thay đổi mô hình tăng trưởng của nước này sau nhiều năm
bằng việc chuyển nhiều tài nguyên khỏi việc sản xuất hàng xuất khẩu và
hàng thay thế hàng nhập khẩu, để đồng nhân dân tệ tăng giá.
Nếu
Trung Quốc cố gắng làm điều này quá sớm, sự mất cân bằng trong cung –
cầu nội địa sẽ làm chậm lại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Nếu kinh tế
Trung Quốc tăng trưởng chững lại, những nước xuất khẩu hàng hóa vào
Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Không nên quên rằng tăng trưởng kinh
tế Trung Quốc có tính hỗ trợ lớn đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.
IMF
dự báo thặng dư của Trung Quốc năm 2012 có thể thấp hơn chút, cụ thể là
400 tỷ USD. Thế nhưng việc thặng dư hạ có thể không phải là điều thế
giới mong muốn ở thời điểm đó. Các nước vùng Vịnh có thể sẽ duy trì
thặng dư thương mại lớn, IMF cho rằng con số thặng dư ở mức 250 tỷ USD,
giá dầu được dự báo sẽ tăng khi đà phục hồi kinh tế mạnh hơn.
Nhật
sẽ có thặng dư thương mại, một phần bởi nhu cầu cần tiết kiệm nhiều hơn
khi dân số ngày một già. Vậy nhu cầu ròng của nước nào sẽ tăng lên để
giúp cân bằng kinh tế thế giới? Nước nào sẽ phải chịu thâm hụt lớn?
Nhóm
nước mới nổi và nhóm nước đang phát triển bên ngoài Trung Quốc sẽ làm
việc này. Dù cán cân thanh toán và triển vọng kinh tế của các nước khác
nhau, thế nhung nhìn chung cho đến nay họ vẫn chưa phải là nước nhập
khẩu vốn ròng bất chấp việc tình hình kinh tế vĩ mô nói chung đã cải
thiện, nhu cầu đầu tư cao, dòng vốn sinh lời tốt. Thay vào đó, nhiều
nước cố gắng tăng dự trữ ngoại hối để tự bảo vệ họ trước những rủi ro
từ thị trường vốn quốc tế.
Những
nước đang phát triển hoặc mới nổi hiện vẫn bị nhà đầu tư nước ngoài coi
như tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hãy xét đến mốc năm 2012, nếu nhóm nước này
có thâm hụt khoảng 500 tỷ USD tương đương gần 3% GDP (tính trung bình),
điều này sẽ đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng nhu cầu ròng của thế
giới và góp phần giúp kinh tế thế giới cân bằng dần dần hay cho việc
đột ngột chặn thặng dư thương mại Trung Quốc tăng.
Giải
pháp hợp lý cho việc này chính là Trung Quốc, nhóm nước vùng Vịnh giàu
có tăng cường đầu tư vào thế giới các nước đang phát triển, những ngân
hàng phát triển tăng cường cho vay, các nước đưa ra thêm chương trình
bảo hiểm song phương và đa phương để giảm thiểu rủi ro mà nhà đầu tư
dài hạn đương đầu, một Quỹ tiền tệ quốc tế thận trọng hơn khiến nhu cầu
tăng dự trữ ngoại tệ giảm, chính sách kinh tế tại nhóm nước đang phát
triển ổn định hơn.
Khi
người ta tập trung giải quyết những thách thức trên cùng với những lo
lắng về thặng dư của Trung Quốc, trên thị trường sẽ có nhiều việc làm,
tăng trưởng kinh tế tại các nước trên thế giới sẽ tốt hơn.
Tác
giả bài viết là phó chủ tịch bộ phận kinh tế và phát triển toàn cầu tại
viện nghiên cứu Brookings, ông trước đây từng là Bộ trưởng Tài chính
Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Dân Trí/FT