Ông Trần Quảng, một nhà đầu tư trên sàn
SSI kể do thiếu thông tin nên nhiều nhà đầu tư thường mua cổ phiếu theo
tư vấn của công ty chứng khoán.
Mỗi khi thấy ý kiến phân tích, nhận định
của một chuyên gia hoặc công ty chứng khoán về triển vọng của một cổ
phiếu hay nhóm hàng nào đó, họ lại đổ tiền vào mua, bất kể điều đó là
thật hay suy luận viển vông, tạo điều kiện cho những cổ phiếu đó tăng
giá mạnh, sau đó lại tụt xuống, làm cho người chạy sau theo đám đông bị
thua lỗ nặng.
Để quảng bá tên tuổi, nhiều công ty
chứng khoán thành lập riêng bộ phận chuyên viết bài phân tích, nhận
định về chứng khoán. Qua đó, gián tiếp “định hướng” cho nhà đầu tư.
Cách nay mấy ngày, Công ty chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín đưa
ra bản phân tích về cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Đầu tư phát triển
xây dựng (DIG), với ý kiến mã này có tiềm năng lớn về đất đai nên được
định giá từ 163.000 - 175.000 đồng. Bài phân tích đưa ra ngay thời điểm
giá cổ phiếu nhóm bất động sản đang nóng, làm cho mã DIG vốn đang “bốc
lửa” lại được tiếp thêm “dầu”, mỗi ngày có hàng trăm lệnh đổ vào mua,
trong khi lệnh bán co lại, nhờ vậy giá của DIG càng được dịp vươn cao.
Ngày chào sàn (19/8), DIG khớp giá 66.000 đồng nhưng nay đã lên tới
146.000 đồng.
Tuy nhiên, cũng có những bài phân tích
đưa ra không hợp thời nên chưa đem lại tác dụng. Cách đây mấy ngày,
Công ty chứng khoán Bảo Việt đưa ra bản phân tích, đánh giá về cổ phiếu
của Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PVD), qua đó cho biết PVD có
thể sẽ có những bước tăng trưởng mạnh kể từ năm 2010 khi mà 2 giàn
khoan mới được vận hành đầy đủ cả năm. Kèm theo đó, PVD có lợi thế nhờ
là thành viên của Petrovietnam... Do lời “chỉ trỏ” đưa ra ngay lúc thị
trường điều chỉnh và có lẽ do nguồn thu tăng trưởng còn ở xa nên chưa
hút nhà đầu tư, vì vậy trong hai ngày qua, giá của PVD giảm liên tục,
đã mất 3.000 đồng so với ngày công ty chứng khoán đưa ra nhận định.
Các công ty chứng khoán cũng đầu tư cổ phiếu trên sàn nên họ vừa là bạn đồng hành nhưng cũng là đối thủ của các nhà đầu tư khác.
Do có lợi thế là nhà tư vấn cho doanh nghiệp nên nhiều khi công ty
chứng khoán nắm được thông tin mật, giúp họ mua cổ phiếu sớm với giá
thấp. Đến khi họ đăng bài công khai trình bày tiềm năng, lợi nhuận hấp
dẫn của doanh nghiệp cho công chúng biết thì nhiều trường hợp đã muộn
màng.
Khi nhà đầu tư đọc xong thông tin nguội
mà nhảy vào tranh mua, đẩy giá cổ phiếu lên cao thì thường mắc phải
“cạm bẫy”. Vì lúc đó công ty chứng khoán bán ra để thu siêu lợi nhuận,
còn nhà đầu tư chạy theo mua sau phải gánh lấy hậu quả. Trong các bài
phân tích của công ty chứng khoán, chỉ một số ít có thông tin “nóng”,
còn đa số là “nhai lại” tư liệu của doanh nghiệp đã công bố. Nhiều bài
còn đưa ra những nhận định sắp tới về ngành hoặc doanh nghiệp (thường
mang tính suy luận) nên xác suất sai khá nhiều.
Thời gian qua đã có nhiều thông tin “chỉ
trỏ” của một số công ty chứng khoán, tổ chức đầu tư... nhận định về cổ
phiếu theo chiều hướng thiên vị, có lợi cho họ, thậm chí còn phân tích
“méo mó” quá mức, làm cho doanh nghiệp kiện công ty chứng khoán nhưng
vẫn không có cơ quan nào đứng ra giải quyết. Nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ
thường tiếp cận thông tin muộn màng, nếu nghe theo công ty chứng khoán
một cách mù quáng thì dễ bị rủi ro. Do vậy, nhà đầu tư chứng khoán cần
phải tự trang bị kiến thức chuyên sâu cho mình, khi nghe thông tin “chỉ
trỏ” của công ty chứng khoán và chuyên gia, cần phải chọn lọc, không
nên đầu tư theo đám đông.
(Theo Người Lao Động)