Việc làm giá không chỉ diễn ra ở thị trường mới như
Việt Nam, mà khắp nơi trên thế giới. Trong đó, có khâu "đánh xuống" để
gom hàng.
Việc
làm giá theo hướng dìm giá có ba giai đoạn. Thứ nhất là đánh xuống để
gom hàng giá rẻ. Thứ hai là đẩy giá lên. Và cuối cùng là xả hàng để thu
lợi.
Để có thể thao túng giá của một cổ phiếu thì phải là
nhà đầu tư lớn. Đó có thể là tổ chức tài chính có năng lực tài chính
hùng hậu, các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán, các tổ chức tín dụng
tư nhân, các đại gia hoặc nhóm đại gia liên kết với nhau.
Thông thường nhà đầu tư lớn nghiên cứu và chọn lựa khá kỹ trước khi tiến hành làm giá một cổ phiếu nào đó. Đối tượng được nhắm tới là các cổ phiếu có tổng số cổ phiếu lưu hành thấp,
khối lượng giao dịch bình quân không quá lớn, có các chỉ số cơ bản tốt,
có thông tin nội gián về tăng trưởng lợi nhuận đột biến, chia cổ phiếu
thưởng và cổ tức cao,… hoặc các cổ phiếu có thông tin ngành hỗ trợ.
Các cổ phiếu blue-chip có giao dịch lớn cũng đôi khi
được đẩy giá nhưng phải dựa vào xu thế của thị trường hoặc thông tin hỗ
trợ nổi bật. Nhưng việc làm giá blue-chip sẽ khó hơn nhiều, vì khối
lượng giao dịch rất lớn, có khi người làm giá sẽ bị thiệt hại do không
thắng được các nhóm lợi ích khác.
Một số bước nghiên cứu và tìm hiểu về cổ phiếu trước
khi thao túng có thể là: thứ nhất, tìm kiếm các cổ phiếu dưới giá trị
nội tại tương đối nhiều do thị trường sụt giảm quá mức, giao dịch ảm
đạm. Thứ hai, thu thập dữ liệu tài chính, yêu cầu các chuyên viên tài
chính phân tích nghiên cứu về cơ bản. Thứ ba, cử người tiếp xúc với
công ty nhằm tìm hiểu kỹ về bộ máy lãnh đạo, chiến lược phát triển và
định hướng dài hạn của công ty… Tuy nhiên các bước này không phải lúc
nào cũng xảy ra mà đôi khi chỉ đơn thuần là các nhà đầu tư lớn làm giá
theo thị trường, theo tin đồn, làm giá để giải cứu số cổ phiếu đã lỡ
mua ở mức giá cao.
Việc
làm giá xuống để thu gom nhiều cổ phiếu trước khi đẩy giá tăng mạnh,
yêu cầu là phải chuẩn bị sẵn một lượng cổ phiếu nhất định. Nhằm
mục tiêu mua được giá thấp, nhà đầu tư lớn có thể bán cổ phiếu giá sàn
để tạo tâm lý hoảng loạn. Họ chủ động bán cổ phiếu giá sàn ào ạt ở tài
khoản A, các nhà đầu tư nhỏ hoảng sợ vì áp lực bán quá lớn nên cũng đặt
bán giá sàn hoặc giá thấp. Khi thấy số lượng cổ phiếu chào bán giá thấp
đủ nhiều, nhà đầu tư lớn sẽ huỷ lệnh bán và dùng tài khoản B của mình
để mua gom hàng hoặc không cần huỷ lệnh bán mà đặt mua lại luôn số cổ
phiếu vừa đặt bán và thu mua thêm cổ phiếu của các nhà đầu tư khác bán
ra ở giá thấp.
Tình trạng này có thể diễn ra trong ngày hoặc liên
tiếp vài ngày cho đến khi nhà đầu tư lớn đã mua đủ số cổ phiếu mong
muốn. Cách thức này rất hiệu quả khi toàn thị trường đang trong xu
hướng điều chỉnh giảm.
Cách khác là bán chặn giá trên, nhà đầu tư lớn sẽ bán
ra số lượng cổ phiếu rất lớn ở tài khoản A ngay từ đầu giờ ở các mức
giá cao. Nhà đầu tư lớn này ở các tài khoản khác chỉ đặt mua cổ phiếu
với lượng vừa phải ở các mức giá thấp. Vì vậy các nhà đầu tư khác muốn
bán phải tranh bán giá thấp (nếu không sẽ không khớp) và "sập bẫy".
Kỹ xảo "rải đinh" cũng có thể được nhà đầu tư lớn áp
dụng. Họ che giá mua thật để mua được giá tốt nhất. Bởi vì bảng điện tử
chỉ thể hiện ba mức giá mua cao nhất nên nhà đầu tư lớn đặt ba lệnh mua
ở ba mức giá cao nhưng mỗi lệnh chỉ mua số lượng không lớn. Khi đó toàn
bộ các lệnh mua khác bị che khuất. Ở đằng sau các mức giá hiện ra trên
bảng điện là cuộc đấu trí giữa các nhà đầu tư và mức giá dự kiến khớp
sẽ dao động thay đổi cho đến cuối phiên khớp lệnh.
Sau khi mua được số lượng cổ phiếu nhất định với mức
giá thấp, nhà đầu tư lớn sẽ chờ đợi cơ hội tốt khi thị trường khởi sắc
tăng mạnh hoặc cổ phiếu nắm giữ có thông tin tốt hỗ trợ để đẩy giá để
thu siêu lợi nhuận.
Nhà đầu tư có tìm hiểu kỹ về công ty mình đang đầu
tư, có phán đoán tốt về xu thế thị trường, kế hoạch và chiến lược đầu
tư hợp lý, rõ ràng sẽ không bị tác động bởi hình thức làm giá xuống
này. Ngược lại, nhà đầu tư có thể tận dụng các cơ hội như vậy để mua
được các cổ phiếu nhiều tiềm năng với giá thấp.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
|